Làng Siêu Quần Tả_Thanh_Oai

Đường quê làng Siêu Quần

Làng Siêu Quần, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Đại Định, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 là tỉnh Hà Nội, năm đầu đời Thành Thái - 1889 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông).

Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng Tả Thanh Oai, Nhân Hòa, Thượng Phúc thành xã Đại Thanh thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Năm 1965, xã Đại Thanh đổi tên thành Tả Thanh Oai. Từ đầu năm 1979, xã được chuyển về huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Làng Siêu Quần(超群) xưa là một trang có tên chữ là Quần Cư (群居)[4], tên nôm là Gùn (kẻ Gùn -几棍), làng là nơi sinh tụ của dân từ rất nhiều địa phương khác nhau, trong đó một bộ phận lớn là từ huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) và vùng Thuận Hóa (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chuyển ra từ đầu thời Lê Sơ. Gần sáu trăm năm trôi qua, người dân ở đây vẫn giữ được những âm gốc ở quê mình.

Theo truyền thuyết, lúc đầu, dân cư tập trung ở dọc bờ Bắc sông Nhuệ. Sau một trận lũ lớn, nước ngập đến mái nhà, có một con chó mẹ tha đàn con đến một gò đất chếch về phía Đông - Nam. Dân làng thấy đó là điềm tốt nên sau trận lũ đã chuyển đến gò đất đó sinh sống, tức trung tâm làng bây giờ. Sau đó, dân các nơi thấy đất này dễ làm ăn, con người thuần hậu nên kéo về ngày một đông. Trong đình làng trước kia tại gian tiền tế có bức đại tự "Siêu bạt quần luân - 超跋群淪" hay câu ngạn ngữ "Lang bạt Siêu Quần, cao quan Kẻ Lủ" để chỉ việc này.

Dân làng Siêu Quần xưa kia chủ yếu làm ruộng, song đa phần ruộng ở đây là chiêm trũng, hàng năm thường bị úng ngập bởi nước lũ sống Nhuệ nên năng suất lúa thấp và bấp bênh. Năm 1939, chính quyền thuộc địa Pháp cho nắn đoạn sông Nhuệ, từ địa phận của làng xuống làng Đan Nhiễm (huyện Thường Tín), làm cho đồng ruộng của làng cùng 16 làng khác trong vùng tiêu nước dễ hơn, nạn úng lụt đã giảm đáng kể. Đến năm 1942, người Pháp lại cho đào con máng từ Gò Quán làng Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng) xuống cống Hai Cửa giáp làng Siêu Quần, để hạn chế thêm nạn úng lụt.

  • Đình làng Siêu Quần

Đình Siêu Quần quay hướng chính nam xây trên 1 cái gò cao (sau này mới đào sông Hòa Bình đi qua), tổng thể gồm: cổng tam quan, sân gạch, hai dãy nội tảo mạc gồm 7 gian (nay còn 5 gian) cùng đại đình 5 gian, hậu cung 3 gian. Hiện nay kiến trúc đình mang phong cách thời Nguyễn với đợt trùng tu lớn vào tháng 7 năm Đinh Tỵ (1917) thời vua Khải Định (皇朝啓定嵗次丁己年孟秋重修). Thời kỳ bao cấp, đình được tận dụng làm nhà kho, các vị thành hoàng được rước lên chùa thờ, sau thời kỳ đổi mới lại rước về đình thờ phụng. Qua nhiều năm, các đồ thờ tự, sắc phong, đại tự,... giá trị bị mất trộm dần, nay đã được thay thế mới.

[5] Điều đặc biệt ở đây là hai nhà tả hữu mạc đồng thời là nơi để thuyền (chải) đua nên khá dài, chiếm suốt cả chiều dài của tòa đại bái đến hết sân gạch. Mỗi nhà để hai chải, một chhiếc đặt sát đất, một chiếc gác ở lưng chừng. Làng có 4 xóm: Thượng, Hạ, Mỹ, Dõn nên mỗi xóm có một chải bơi. Hồi kháng chiến chống Pháp (1946-1954) nhân dân đã dìm thuyền xuống sông cất giấu và bắc cầu qua sông Nhuệ bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng. Tiếc thay thuyền đã ngâm quá lâu đã bị mục nát. Nhưng dựa vào chiều dài của nhà tả mạc chúng ta có thể đoán được chiều dài của chải (dài khoảng 15m, rộng hơn 1m).

Đình làng Siêu Quần thờ hai vị thành hoàng cùng phối thờ hai vị công chúa[4].

- Hổ Lang Đại vương (虎狼大王) Trịnh Khả (鄭可) và Diêu La công chúa (姚㼈公主)[4].

Trịnh Khả (1403 - 1451) người làng Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một trong 18 người có mặt tại Hội thề Lũng Nhai của Lê Lợi (năm Bính Thân - 1416), sau lập được nhiều chiến công trong việc đánh đuổi giặc Minh. Khi Lê Lợi lên ngôi, ông được phong Hổ Vệ tướng quân, Thượng trụ quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, khắc biển công thần. Do bị gian thần gièm pha, tháng 7 năm Tân Mùi 1451 ông và cả con trai là Trịnh Bá Quát bị giết. Đời Lê Thánh Tông được minh oan, trả lại quan tước, phong làm Phúc thần. Việc làng Siêu Quần thờ Trịnh Khả là do dân từ Sóc Sơn (Thanh Hóa) chuyển cư ra, đem theo cả thành hoàng ở làng gốc[6].

- Đông Hải Đại Vương (東海大王) Nguyễn Phục (阮復) và Quý Minh công chúa (貴明公主)[4].

Nguyễn Phục (1434? - 1470), ông là người thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, đỗ Hoàng giáp khoa Quý Dậu niên hiệu Thái Hoà 11 (1453) đời vua Lê Nhân Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện kiêm Vương phó (thầy dạy các vương tử). Năm Canh Dần (1470), Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, Nguyễn Phục được cử giữ chức Đốc lương lo việc vận chuyển lương thực. Không may trên đường đi bị bão, thuyền lương đến chậm, ông bị xử trảm theo quân luật. Sau vua biết ông bị oan, lấy làm hối, phong cho ông làm phúc thần, ban tước hiệu là Đông Hải đại vương. Các triều vua về sau đều phong ông là "Đông Hải đại vương, Thượng đẳng phúc thần". Việc làng Siêu Quần thờ ông là do có một bộ phận cư dân Huế từng thờ ông ở quê gốc chuyển cư ra đây[6].

Hai vị công chúa có duệ hiệu là Diêu La và Quý Minh không rõ thần tích, việc phối thờ hai bà cũng từ dân cư Thanh Hóa và Huế mang theo. Trải qua các triều đại Lê trung hưng, Tây Sơn đến triều Nguyễn đều có các sắc phong cho 4 vị.

Hội làng Siêu Quần trước đây được tổ chức vào các dịp 10-2 (Cầu đinh); 12-5 và 10-8 (Kỳ phúc).

Lễ “Đại kỳ phúc” thi bơi chải, thi các loại bánh;

Lễ “Cầu đinh” được tiến hành trong ba ngày, sáng ngày 9 các cụ tế cáo yết ở đình, buổi chiều dắt trâu đã tắm sạch sẽ qua sân trình thánh. Hôm sau đem mổ trâu rồi thui cả con dâng tế thần nông, riêng cái đuôi thì cắt rời chôn xuống đất để chìa lên một đoạn. Có lẽ lễ tích này vừa diễn lại tích thuở chăn trâu cắt cỏ của vua Đinh Tiên Hoàng, để cầu thêm làng có nhiều “đinh”. Đây cũng là dịp làm lễ hạ điền, nên chiều ngày 10-2 sau khi tế tạ, cụ chủ tế chạy ra cánh đồng, dân làng chạy theo ném cây tre còn nguyên cành, lá. Nếu ném đúng người thì may mắn sẽ đến cả năm! Thi bơi chải giữa các xóm. Mốc thi từ cửa đình gọi là “nêu nhất” đến một cái gò giữa đồng được gọi là “nêu nhì” thì quay về (chiều dài chừng 3 cây số). Ngày 11 tháng 2 diễn ra hai đợt thi, khi trai xóm nào thi thì con gái xóm ấy lo trầu nước, đứng trên bờ cổ vũ. Ngày 12 tháng 2: Sáng tế yên vị, chiều các trai bơi đua thuyền lên cất vào hai bên tảo mạc. Giải nhất là một cái nọng lợn và một buồng cau, giải nhì là cái cẳng giò nửa buồng cau, giải ba là ba quả cau với miếng  thịt lợn.

Có câu:"Lệ làng tháng tám thì bơi, trai thì thi sức gái thì thi hoan". hay câu "Gái làng Hạ (Thượng phúc), mạ làng Nai (Đan Thầm), trai làng Gùn (Siêu Quần)" nói việc trai làng khỏe mạnh, giỏi giang.

Hiện nay, lễ hội làng Siêu Quần vẫn tổ chức vào ngày 10 tháng 2, dịp xuân về cũng là ngày kỷ niệm đón bằng công nhận di tích lịch sử của Bộ Văn hóa thông tin (9/2/1996). Hội làng Siêu Quần ngày nay cách 2 năm một lần, song việc thi bơi chải chưa được như xưa. Lễ rước kiệu từ đình tới đầu làng rồi rước về. Còn lệ tế Thần nông bằng trâu thui thì đã bỏ.

  • Chùa làng Siêu Quần tên chữ là “Linh Ứng tự -靈應寺”

Trước kia chùa cũ nằm ở giữa làng, sau bị cháy chuyển về vị chí như ngày nay (?).

Kết cấu chính điện chữ đinh, phía trước có cổng tam quan, kế bên là sân gạch tiếp đến nhà tổ, phía sau là nhà mẫu. Hệ thống tượng phật và kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn.

Tương truyền đây là nơi xưa từng dùng để giam lỏng những quan lại trái ý vua nhưng không thể xử tội. Có lẽ vì thế nên người dân ở đây có vóc dáng tiếng nói riêng biệt với cư dân quanh vùng.Tuy nhiên, Siêu Quần vẫn là làng Việt cổ vì có tên chữ là “Quần cư trang” và tên Nôm gọi là Kẻ Gùn.